Khơi thông điểm nghẽn thị trường KH&CN ở Việt Nam
Phát biểu khai mạc Hội thảo TS. Trần Hậu Ngọc, Viện trưởng Viện Đánh giá khoa học và Định giá công nghệ, Bộ KH&CN đánh giá cao vai trò của các viện nghiên cứu, trường đại học. Ông cho rằng, đây là nơi tập trung lực lượng cán bộ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ có sứ mệnh tạo ra tri thức mới, công nghệ mới cho xã hội; đồng thời là nhà sản xuất hàng hóa KH&CN quan trọng nhất trên thị trường KHCN Viện trưởng Trần Hậu Ngọc cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thành lập doanh nghiệp KH&CN tại các cơ sở đào tạo để làm cầu nối cho các nhà khoa học thương mại hóa kết quả nghiên cứu. Viện trưởng mong muốn, các ý kiến thảo luận, tư vấn tại hội thảo sẽ góp phần thúc đẩy thị trường KH&CN ở Việt Nam. Với vai trò là đơn vị trực thuộc Bộ KH&CN, Viện Đánh giá khoa học và Định giá công nghệ sẽ tích cực hỗ trợ các nhà khoa học của ĐHQGHN trong việc thành lập doanh nghiệp KH&CN trong thời gian tới. Ông Lý Đình Quân, Giám đốc công ty cổ phần trung tâm ươm tạo khởi nghiệp sông Hàn cho biết, Trung tâm ươm tạo khởi nghiệp Sông Hàn (Songhan Incubator – SHi) được thành lập năm 2017 tại ngay trung tâm kinh tế - văn hóa lớn nhất miền Trung – Thành phố Đà Nẵng, và là một trong những vườn ươm doanh nghiệp tư nhân đầu tiên tại Việt Nam với sứ mạng là lan tỏa tinh thần doanh nhân Việt, ươm tạo các tài năng kinh doanh. SHi thực hiện 2 hoạt động chính là tư vấn, chuyển giao tri thức Hệ sinh thái Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (VSE Consultancy) và Ươm tạo doanh nghiệp khởi nghiệp du lịch đổi mới sáng tạo VTS (Vietnam Tourism Startup). SHi đã cùng các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, đặc biệt là Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST của Đà Nẵng nói riêng, của Việt Nam nói chung. SHi cũng là đơn vị tiên phong hỗ trợ cho các địa phương: Bình Định, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên, Huế, Cần Thơ, hỗ trợ cho các trường đại học để nhiều tổ chức hơn tiếp cận với tư duy đổi mới sáng tạo. Ông Quân cho rằng, trước đây chúng ta không có mạng lưới hợp tác và kết nối sáng tạo, tổ chức/cá nhân chỉ có những kết nối quan hệ riêng, nhỏ lẻ. Giờ đây, Việt Nam có cơ hội mở rộng mạng lưới từ các startup đến nhà đầu tư, mentor, vườn ươm, tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, tập đoàn, doanh nghiệp, trường đại học. Các startup có nhiều cơ hội trao đổi với nhà đầu tư, kết nối được nhiều mentor. Hầu hết các địa phương của Việt Nam hiện nay đã và đang đi tìm kiếm mô hình phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp phù hợp để nhận được tư vấn từ các chuyên gia trong nước và quốc tế, các vườn ươm có thể kết nối các nhà đầu tư, quỹ đầu tư, mentor cho vườn ươm của mình. Ông Quân nhận định “doanh nghiệp phải có hàm lượng về Khoa học - công nghệ, phải có hàm lượng của tri thức ĐMST mới có thể hội nhập quốc tế cũng như có thể mang lại giá trị gia tăng cho nền kinh tế”. Hiện nay nhu cầu các công nghệ lõi, đáp ứng nhu cầu đổi mới sáng tạo cho phát triển là rất lớn. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt lại đang loay hoay trong tiếp cận và ứng dụng khoa học-công nghệ vào sản xuất kinh doanh. Việc tiếp cận khoa học-công nghệ giữa doanh nghiệp và các nhà khoa học, viện, trường vẫn còn khoảng cách khá lớn. yếu tố quan trọng nhất để thúc đẩy hợp tác khoa học, đổi mới sáng tạo là môi trường cạnh tranh lành mạnh; hệ thống tiêu chuẩn và tiêu chí định mức phát triển quốc gia cho các sản phẩm công nghệ. Hệ thống luật cho khoa học-công nghệ và doanh nghiệp khởi nghiệp phải là hệ thống cơ bản dựa trên nguyên tắc Sandbox (cơ chế thử nghiệm). Ngoài ra, cần trao quyền tự chủ cao cho các tổ chức nghiên cứu khoa học và hoạt động R&D. Nhà nước cần phải đặt hàng khoa học-công nghệ cho những vấn đề lớn, mang tính thách thức, đặt hàng dựa trên các hợp đồng rất chặt chẽ. Ông Phạm Hồng Quách - Giám đốc Trung tâm tư vấn Đánh giá khoa học và Định giá công nghệ, Viện Đánh giá khoa học và Định giá công nghệ, Bộ KH&CN cung cấp thông tin nền tảng hỗ trợ phát triển thị trường cho doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, phát triển các nền tảng trực tuyến liên kết, kết nối các thành phần của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Đây là một công cụ hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (Start-up), doanh nghiệp khởi nguồn (Spin-off) liên quan đến dịch vụ hỗ trợ, tư vấn đánh giá, định giá công nghệ, kết quả nghiên cứu của Viện, Trường nhằm thành lập/chuyển giao cho doanh nghiệp tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức tham gia vào quá trình thương mại hóa; hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận chuyên gia KH&CN, các quỹ đầu tư liên quan để hỗ trợ thành lập doanh nghiệp KH&CN. Từ đó, nền tảng giải quyết vấn đề phát triển thị trường KH&CN, kết nối các hệ thống dữ liệu thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Đây sẽ là nền tảng hữu hiệu hỗ trợ tích cực cho các đề xuất thành lập doanh nghiệp KH&CN. Kết luận tại Hội thảo,TS.Trần Hậu Ngọc, Viện trưởng Viện Đánh giá khoa học và Định giá công nghệ, Bộ KH&CN cho rằng, để phát triển thị trường khoa học- công nghệ Việt Nam cần sự đồng hành, kết nối hợp tác giữa cơ quan quản lý nhà nước, các viện, trường và doanh nghiệp, hiện nay Bộ Khoa học và Công nghệ đang xây dựng Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về phát triển thị trường khoa học- công nghệ cùng với việc triển khai hình thành các sàn giao dịch công nghệ, kết nối cung- cầu; xây dựng cơ sở dữ liệu công nghệ... Nguồn: Hồng Hạnh- Báo điện tử Đại biểu nhân dân |