NỀN TẢNG DỮ LIỆU SỐ HÓA DỊCH VỤ ĐÁNH GIÁ KHOA HỌC VÀ ĐỊNH GIÁ CÔNG NGHỆ

Science and technology evaluation service platform

Tọa đàm xây dựng mạng lưới tư vấn cung cấp dịch vụ định giá công nghệ

Chia sẻ trên :
15-11-2024 97 lượt xem

Ngày 14/11/2024, tại trụ sở 39 Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Trung tâm tư vấn - Viện Đánh giá khoa học và Định giá công nghệ (Viện Đánh giá) đã có buổi tọa đàm làm việc với Công ty Cổ phần Đầu Tư và Thẩm Định Quốc Tế Đông Dương (Tập đoàn SunValue).

Theo định hướng của Quyết định số 1158/QĐ-TTg, “Chương trình phát triển thị trường khoa học và công nghệ (KH&CN) quốc gia đến năm 2030” đặt mục tiêu đạt giá trị giao dịch trung bình hàng năm từ 30 tỷ USD trở lên, với hơn 35% giao dịch thuộc các lĩnh vực, ngành hàng xuất khẩu chủ lực. tỷ trọng giao dịch công nghệ từ các viện nghiên cứu, trường đại học đạt trên 40% trong tổng giao dịch công nghệ có nguồn gốc trong nước; phát triển trên 240 tổ chức trung gian KH&CN và 6 mạng lưới tổ chức trung gian chuyên sâu cho 6 ngành hàng xuất khẩu chủ lực; số hóa các kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ có tiềm năng thương mại hóa trên thị trường; hiện đại hóa hệ thống hạ tầng quốc gia của thị trường KH&CN, kết nối hiệu quả với mạng lưới tổ chức trung gian khu vực và toàn cầu”

Với vai trò là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, tham gia hỗ trợ quản lý nhà nước về phát triển thị trường KH&CN theo chức năng, trong thời gian vừa qua, Viện Đánh giá khoa học và Định giá công nghệ thông qua Trung tâm tư vấn, đã và đang từng bước triển khai các hoạt động cụ thể nhằm nâng cao vai trò đầu mối, cung cấp các dịch vụ công về thị trường KH&CN. Hợp tác, nâng cao năng lực hoạt động các tổ chức trung gian, hỗ trợ phối hợp phát triển tổ chức trung gian của thị trường KH&CN thuộc khu vực tư nhân... góp phần hoàn thành tốt mục tiêu của Chương trình.

Công ty Cổ phần Đầu Tư và Thẩm Định Quốc Tế Đông Dương, hoạt động với mô hình tập đoàn chuyên sâu trong lĩnh vực tư vấn đầu tư và thẩm định giá, đã được Bộ Tài Chính cấp phép hoạt động trên toàn quốc và đồng thời tổ chức nghiên cứu tư nhân trực thuộc doanh nghiệp Viện Kinh tế và Công nghệ - SIET, đơn vị nghiên cứu khoa học và công nghệ trong các lĩnh vực như đổi mới công nghệ, kinh tế số, chuyển đổi số, chuyển giao công nghệ, tài sản trí tuệ,...

Tham dự buổi tọa đàm phía đối tác có TS. Trương Thái Sơn (Sunny)- Chủ tịch HĐQT, kiêm Viện trưởng SIET, Ông Michael Lee Mattox – Tổng giám đốc, chuyên gia thẩm định giá Hoa kỳ; được sự ủy quyền của Lãnh đạo Viện Đánh giá, TS.Phạm Hồng Bách - Giám đốc trung tâm tư vấn đơn vị trực thuộc Viện, cùng tập thể lãnh đạo chủ chốt của doanh nghiệp và trung tâm.

 
 

                                                                 (Quang cảnh buổi tọa đàm)
Trong quá trình trao đổi, giới thiệu năng lực và chức năng hoạt động, hai bên đều nhận thấy tiềm năng hợp tác, phối hợp để thúc đẩy doanh nghiệp tham gia thị trường KH&CN, đẩy mạnh hợp tác viện nghiên cứu, trường đại học với doanh nghiệp; thúc đẩy chính sách thương mại hoá, đưa nhanh kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ vào sản xuất, kinh doanh; khả năng liên kết giữa đơn vị nghiên cứu và các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trong lĩnh vực đặc thù về thẩm định giá tài sản vô hình, tài sản trí tuệ.

TS. Phạm Hồng Bách, chia sẻ và giới thiệu chức năng nhiệm vụ của đơn vị và một số hoạt động tư vấn định giá hỗ trợ thương mại hóa KQNC hình thành từ nhiệm vụ KH&CN sử dụng vốn Nhà Nước, nền tảng số hóa Techvalue.vn tham gia hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo thuộc Đề án 844 – “Đề án hỗ trợ Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Quốc gia đến năm 2030” và một số hoạt động nghiên cứu phổ biến kiến thức, đào tạo, hội thảo tập huấn, đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn trong lĩnh vực được giao. Theo đó, lợi ích khi sử dụng dịch vụ định giá công nghệ, tài sản trí tuệ: Giúp doanh nghiệp ước tính được chính xác giá trị của công nghệ, tài sản trí tuệ để đưa ra các quyết định đầu tư, kinh doanh đúng đắn. Hỗ trợ đàm phán: Dữ liệu định giá sẽ giúp doanh nghiệp có vị thế đàm phán tốt hơn trong các giao dịch mua bán, sáp nhập hoặc chuyển giao công nghệ.Tăng tính minh bạch: Báo cáo định giá sẽ tăng tính minh bạch cho các giao dịch liên quan đến công nghệ, tài sản trí tuệ, giúp thu hút nhà đầu tư. Theo đó, để có thể tư vấn định giá công nghệ, đơn vị cần có đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực định giá, luật sở hữu trí tuệ và tài chính, thị trường.

Tuy nhiên có một số khó khăn trong hoạt động cung cấp dịch vụ định giá công nghệ, tài sản trí tuệ như thiếu hụt nhân lực: Số lượng chuyên gia tham gia hoạt động định giá công nghệ có kinh nghiệm và kiến thức chuyên sâu còn hạn chế. Việc đánh giá một công nghệ đòi hỏi sự kết hợp giữa kiến thức về công nghệ, sở hữu trí tuệ, tài chính và kinh tế, đây là một yêu cầu khá cao đối với nhân lực.

Ông Michael Lee Mattox chia sẻ về kinh nghiệm quá trình số hóa và xây dựng cơ sở dữ liệu về chỉ số giá theo các chuẩn mực định giá quốc tế, đồng thời mong muốn được tham gia đề xuất một số giải pháp có thể  phù hợp với điều kiện Việt Nam đóng góp vào quá trình nhanh chóng thương mại hoá tài sản hình thành từ kết quả thực hiện nhiệm vụ KH&CN.

TS. Trương Thái Sơn (Sunny), chia sẻ về kinh nghiệm thẩm định giá tài sản, xây dựng cơ sở dữ liệu về giá, mô hình cung cấp các dịch vụ tư vấn định giá đa dạng như định giá, nhãn hiệu đến định giá thương hiệu, sáng chế, dây chuyền công nghệ...

Ông Sơn đồng thời cũng đề xuất một số lĩnh vực có thể hợp tác giữa hai bên trong tương lai như: cung cấp các chuyên gia có kinh nghiệm trong lĩnh vực thẩm định giá trong nước và quốc tế, phối hợp tham gia tư vấn về tài chính tài sản vô hình, công nghệ; cùng hợp tác, tài trợ và đồng tổ chức các Hội nghị hội thảo, trong nước và quốc tế về các vấn đề liên quan định giá tài sản vô hình, tài sản trí tuệ, công nghệ , phối hợp tổ chức đào tạo chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm thực tế giữa hai bên.